Sự xuất hiện của đèn LED là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực chiếu sáng. Hứa hẹn là một giải pháp thay thế an toàn, chi phí thấp và siêu hiệu quả cho bóng đèn truyền thống, đèn LED hiện đang có mức tăng trưởng nhanh chóng và được sử dụng rất phổ biến hiện nay. Một tính năng chính và là ưu điểm vượt trội nhất của đèn LED khiến người ta chi hầu bao cho nó là tuổi thọ cao, tuổi thọ tiềm năng lên đến 10 năm cho mỗi bóng đèn. Tuy nhiên trên thực tế, có một số thử nghiệm sử dụng bóng đèn LED cho thấy gần 30% số bóng đèn bị lỗi và ngừng hoạt động trước khi hết tuổi thọ mà nhà sản xuất cam kết.

Trước khi nghi ngờ và đổ lỗi cho công nghệ kém hiệu quả, chúng ta hãy xem xét một vài dữ kiện sau đây để hiểu rõ hơn về tuổi thọ thực sự của đèn LED.



Tuổi thọ đèn LED được đo như thế nào?

Một trong những vấn đề quan trọng trong việc xác định tuổi thọ của bóng đèn LED là cách chúng được đo lường.

Tuổi thọ của bóng đèn sợi đốt truyền thống được tính toán khá đơn giản. Tuổi thọ trung bình của bóng đèn sợi đốt là khoảng thời gian trung bình từ khi bắt đầu sử dụng đến khi bóng bị hỏng hoàn toàn, trung bình là 1.000 giờ, tính dựa trên 50% số bóng mẫu.

Còn tuổi thọ của đèn LED hiện đại được đo theo một cách khác. Đó là bởi vì đèn LED hiếm khi hỏng hoàn toàn như bóng đèn truyền thống mà độ sáng của chúng sẽ mờ dần theo thời gian. Hơn nữa, tuổi thọ của chip LED không đồng nghĩa với tuổi thọ cả bộ đèn, hầu như các nhà sản xuất chỉ cam kết tuổi thọ cho chip LED chứ không phải toàn bộ đèn.

Các nhà sản xuất xác định tuổi thọ trung bình của chip LED kéo dài 50.000 giờ, nghĩa là khi đèn đã phát sáng được 50.000 giờ, ánh sáng sẽ bị giảm so với ban đầu, chỉ còn mức 70% độ sáng so với ban đầu (chỉ số L70), cái này được gọi là suy giảm quang thông.  

Hình ảnh so sánh độ suy giảm ánh sáng của từng loại đèn 

Có nhiều chỉ số suy giảm quang thông của đèn LED được ký hiệu như: L50, L70, L80… Có thể hiểu như thế này: Mỗi đèn LED có chỉ số L70, có tuổi thọ trung bình là 50.000 giờ, thì tại thời điểm đạt 50.000 giờ, chúng sẽ phát ra độ sáng bằng khoảng 70% so với ban đầu. Nếu một đèn LED có L50 là 50.000 giờ, độ sáng của nó sẽ giảm nhanh hơn đèn LED có L70 là 50.000 giờ (giảm 50% độ sáng) v.v.

Vậy nguyên nhân nào gây ra sự chênh lệch lớn về tuổi thọ của đèn LED? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta cần xem xét nguyên nhân khiến đèn LED bị hỏng.


Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của đèn LED

- Bộ nguồn DriverBộ nguồn có vai trò cung cấp và điều chỉnh dòng điện phù hợp cho đèn. Nếu bộ nguồn không đảm bảo chất lượng thì dễ gây hỏng hóc, giảm tuổi thọ bóng đèn.

- Nguồn điện cung cấpViệc duy trì nguồn điện ổn định giúp duy trì tuổi thọ của bóng đèn LED. Việc tăng giảm áp đột ngột ảnh hưởng đến công suất và tuổi thọ của đèn.

- Bộ phận tản nhiệtĐèn LED chạy mát hơn nhiều so với các loại bóng đèn khác nhưng vẫn tạo ra một lượng nhiệt nhỏ bên trong đi-ốt của chúng. Trên thực tế, nhiệt độ quá cao đã được chứng minh là làm giảm tuổi thọ của đèn LED, do đó điều quan trọng là phải lựa chọn những bộ đèn có bộ phận tản nhiệt hoạt động tốt.

- Độ ẩm, nhiệt độ môi trường xung quanhĐộ ẩm và nhiệt độ của môi trường xung quanh vị trí lắp đặt đèn cũng là yếu tố quan trọng tác động đến tuổi thọ của đèn.


Vậy tuổi thọ bóng đèn LED thực sự kéo dài bao lâu?

Thật không may, không có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này.

Tuổi thọ của bóng đèn LED phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhưng nói chung phạm vi tuổi thọ trong khoảng 10.000-50.000 giờ. Đó là một phạm vi lớn, đồng nghĩa với việc bóng đèn LED của bạn có thể kéo dài đến 10 năm, tùy thuộc vào mức độ sử dụng của nó và điều kiện sử dụng của nó.

Mặc dù không thể nói chắc chắn một bóng đèn sẽ tồn tại trong bao lâu, nhưng chắc chắn rằng bóng đèn LED vẫn có tuổi thọ lâu hơn nhiều so với các bóng đèn truyền thống khác.

Để tối đa hóa tuổi thọ của bóng đèn LED của bạn, hãy lưu ý:

Linh kiện: Chọn bóng đèn LED với linh kiện tốt và lắp đặt với bộ nguồn phù hợp. 

Môi trường: Lắp đặt bóng đèn LED trong môi trường thích hợp với hệ thống tản nhiệt tốt để có thể làm mát. Cố gắng tránh lắp đặt gần các nguồn nhiệt.