Chúng ta hẳn không còn lạ gì với những chiếc đèn LED, nó xuất hiện xung quanh đời sống, được gắn trong các đồ điện tử, đồ trang trí, biển hiệu cửa hàng... Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu về cấu tạo, cơ chế hoạt động, ưu nhược điểm của nó. Bài viết này sẽ trình bày cho các bạn một số kiến thức cơ bản về đèn LED.

1. Đèn LED là gì?

LED được viết tắt từ cụm từ tiếng Anh "Light Emitting Diode" nghĩa là đi-ốt phát quang, là các đi-ốt có khả năng phát ra ánh sáng hay tia hồng ngoại, tử ngoại. Đèn LED là thiết bị chiếu sáng mang công nghệ LED. Công nghệ LED được hình thành dựa trên công nghệ bán dẫn, nó được cấu tạo từ một khối bán dẫn loại P ghép với một khối bán dẫn loại N, hoạt động của LED dựa trên hoạt động của chuyển tiếp P-N. 





2. Cấu tạo của đèn LED

Một chiếc đèn LED thông thường bao gồm 4 bộ phận sau đây:



- Chíp LED
Chíp LED là một đi-ốt chứa bên trong một con chíp bán dẫn có công dụng tạo ra tiếp giáp P-N. Chip LED được gắn trên bảng mạch, là bộ phận quan trọng nhất của chiếc đèn, nó quyết định đến chất lượng cũng như duy trì sự ổn định nguồn sáng của bóng đèn.
Chip LED được phân thành ba loại chính theo dải công suất: cỡ nhỏ, cỡ trung bình, cỡ lớn. Các dòng chip LED cỡ lớn sử dụng điện áp 220V thường dùng cho các loại đèn như: Đèn đường, LED âm trần, LED âm đất...với các công suất khác nhau: 10w, 50w, 500w, 1000w... Còn loại chip LED sử dụng điện áp nhỏ 12V thường dùng cho LED dây, LED quảng cáo... 

- Bộ tản nhiệt
Bộ phận tản nhiệt này đặc biệt quan trọng trong các đèn LED công suất lớn nhằm giảm lượng nhiệt mà chip LED sản sinh ra giúp kéo dài tuổi thọ cho đèn.

- Bộ nguồn (Driver)
Bộ nguồn có tác dụng cung cấp nguồn điện cho đèn LED, nó cho phép chuyển đổi từ dòng điện xoay chiều (AC) thành dòng điện một chiều (DC)

- Vỏ
Vỏ ngoài của đèn thường được làm từ nhựa PC, với thiết kế chống thấm nước cao và tỏa nhiệt nhanh chóng để đảm bảo cho đèn hoạt động ổn định lâu dài.

3. Nguyên lý hoạt động của đèn LED

Đèn LED hoạt động dựa trên công nghệ bán dẫn. Trong khối bán dẫn có 2 cực P và N, trong khối bán dẫn loại P chứa nhiều lỗ trống tự do mang điện tích dương. Khi khối bán dẫn P-N được ghép vào nhau thì các lỗ trống mang điện tích dương bên khối P chuyển sang khối N, đồng thời bên khối P cũng sẽ nhận thêm các điện tích âm từ khối N. Khi P-N tiến lại gần nhau sẽ tạo nên những nguyên tử trung hòa, giúp tạo ra bức xạ ánh sáng. Đây chính là nguyên lý phát sáng của đèn LED. 
Cụ thể cơ cấu và nguyên lý hoạt động của đèn LED được mô tả như hình ảnh bên dưới.



Như vậy là ta vừa tìm hiểu xong về khái niệm, cấu tạo và nguyên lý hoạt động của đèn LED. Hy vọng bài viết sẽ mang lại nhiều kiến thức mới cho những ai đang tìm hiểu hoặc có ý định trang bị đèn LED.